Trong
lĩnh vực bất động sản có một thực tế không phải bất kì dự án nào cũng có tính
thanh khoản tốt, vậy biện pháp tốt nhất để xử lý “hàng tồn kho” là gì? đẩy
nhanh thanh lý tài sản, đầu tư phát triển hạ tầng hoặc đánh thuế nhà chính là
những đề xuất nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý chúng.
Đã nhiều năm
qua, người dân sốt ruột khi nhìn thấy những khu biệt thự hàng nghìn tỷ đồng bỏ
hoang ở Hà Nội, nhưng các cơ quan chức năng dường như vẫn “đủng đỉnh” và chưa
có giải pháp nào được đưa ra, thể hiện quyết tâm xử lý vấn đề này. Hậu quả là
biệt thự tiền tỷ đắp chiếu, kéo theo hàng loạt hệ lụy đáng lo ngại như ô nhiễm
môi trường, bất ổn xã hội, nhếch nhác bộ mặt đô thị…
Câu chuyện càng đáng suy ngẫm khi hàng nghìn tỷ đồng đang bị chôn
vùi vào đây, trong khi để xây dựng từng mét đường, từng đoạn cầu, nước ta vẫn
phải vay vốn nước ngoài. Nghịch lý này cho thấy, đã đến lúc cần tìm hướng để
giải quyết dứt điểm các biệt thự bỏ hoang.
Từ 10 năm nay, con đường Lê Văn Lương kéo dài dẫn đến khu đô thị
Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã khang trang, nhiều công trình, tòa nhà
mọc lên, nhưng vẫn chưa thể làm “thay da đổi thịt” những khu đô thị với hàng
loạt biệt thự còn nguyên màu đỏ gạch, kèm theo rêu mốc thời gian.
Bà Nguyễn Thị Hiệp sống gần khu đô thị này xót xa khi mỗi căn biệt
thự hơn 100m2 giờ đây toàn rác rưởi, tầng hầm trở thành ao tù nước đọng. Tiếc
từng tấc đất, tấc vàng, nhiều hộ dân đã tận dụng những khoảng đất quanh các
ngôi biệt thự để trồng rau, cải thiện đời sống.
“Dọc đường này có rất nhiều biệt thự bỏ hoang nhìn rất phản cảm,
vừa làm lãng phí tiền của dân, của doanh nghiệp nên cần phải có phương hướng
giải quyết. Trong khi biệt thự xây lên để bỏ hoang còn người dân lại không có
đất làm ruộng”, bà Hiệp cho biết.
Trên các mảng tường gạch của mỗi căn biệt thự xuất hiện những dòng
chữ rao bán nhà. Gọi đến một số điện thoại, chúng tôi được biết những căn hộ
này đều đã có chủ, họ mua từ những năm 2005 - 2011 và muốn chuyển nhượng lại
với mức giá từ 87-90 triệu đồng/m2.
Người này còn cho biết, vào thời điểm năm 2011, giá mỗi m2 biệt
thự này lên đến 140 triệu đồng. Thời hoàng kim đó đã không còn, giờ đây những
căn biệt thự hàng chục tỷ đồng bỏ hoang dù có giảm giá cũng thật khó để có
người mua và đến ở.
Tình trạng này đang diễn ra ở nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội,
điển hình như Khu đô thị Nam An Khánh, Khu đô thị Thiên Đường Bảo Sơn, Khu đô
thị Kim Chung - Di Trạch, Khu đô thị Lideco ( huyện Hoài Đức), Khu đô thị Quang
Minh 1, Quang Minh 2 (huyện Mê Linh)…
Chuyên gia kinh
tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, biệt thự bỏ hoang không chỉ lãng phí mà còn liên
quan đến vấn đề nợ xấu. Cơ chế, chính sách của Nhà nước cần nhanh chóng giải
quyết vấn đề này, giúp các ngân hàng có thể xử lý được các tài sản bảo đảm hiện
vẫn đang chôn vùi trong bất động sản.
“Tài sản tồn đọng ở những địa thế đẹp với bao nhiêu biệt thự xây
dựng lên một cách hoành tráng nhưng rồi để không không ai ở. Trong khi đường
phố, giao thông còn hạn hẹp, cần vốn để giải quyết những vấn đề an sinh xã hội…
cho nên đó là sự lãng phí. Nhưng để thay đổi, điều chỉnh, dùng những tài sản
như thế để tránh lãng phí thì vấn đề thanh lý tài sản bảo đảm, vấn đề nợ xấu
phải được giải quyết. Tất cả các ngân hàng và cơ quan chức năng cần làm sao
biến những tài sản đó thành những tài sản hữu dụng cho dân chúng”, ông Hiếu
phân tích.
Ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
nhận định, các biệt thự bỏ hoang của Hà Nội hầu hết đã có chủ, hoặc của giới
đầu cơ, hoặc của người dân nhưng không ai ở, cũng chẳng ai mua lại vì hạ tầng
cơ sở chưa có. Do đó, chủ đầu tư phải đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng thì mới
thu hút được người dân đến ở.
Ông Trần Ngọc Quang cho rằng, sự lãng phí này cho thấy cần đặt vấn
đề lớn hơn là việc sở hữu bất động sản ở Việt Nam sao cho tận dụng được nguồn
lực trong xã hội.
“Trong khi nhiều người có tiềm lực mua biệt thự bỏ không, Nhà nước
lại đang phải đi vay tiền nước ngoài để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhiều người
dân lại không có nhà ở. Vì thế, cần có chính sách kiểm soát việc sở hữu nhà ở
đối với những người đầu tư như hiện nay, có vậy mới hạn chế, giảm thiểu những
biệt thự bỏ hoang”, ông Quang bày tỏ quan điểm.
Đồng tình cho rằng không thể tiếp tục để tồn tại việc hàng loạt
biệt thự bỏ hoang vừa gây lãng phí, vừa làm xấu bộ mặt đô thị, dễ trở thành nơi
chứa rác thải, mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường, là nơi “an cư” của tệ nạn
xã hội, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam kiến nghị, đã
đến lúc tính đến phương án thu thuế tài sản để vừa hạn chế tình trạng mua biệt
thự rồi bỏ đấy, vừa góp phần khắc phục khó khăn về ngân sách hiện nay.
“Cần phải đánh thuế tài sản. Biệt thự dùng hay không dùng nhưng
chủ sở hữu có tài sản thì phải nộp thuế. Các nước gọi là thuế tài sản, nước ta
gọi là thuế nhà đất, nhưng hiện nay chưa thu thuế nhà, mới chỉ thu thuế đất
dưới dạng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Thu thuế thì phải có luật. Bây giờ
tôi nghĩ đã đến lúc rồi, vì ngân sách hiện nay thiếu hụt nghiêm trọng, một mặt
phải giảm chi, hiện đã giảm chi đầu tư công, nhưng mặt khác cũng phải tìm nguồn
thu”, ông Liêm đề xuất.
Rõ ràng, không thể để tình trạng biệt thự bỏ hoang rêu mốc tiếp
tục tồn tại. Đã đến lúc cần sự vào cuộc, chung tay của các cơ quan chức năng,
những người có trách nhiệm để tìm ra cách làm mới, đột phá, quyết liệt xử lý
khối tài sản này, tránh lãng phí và tạo thêm nguồn lực cho ngân sách quốc gia.
(Theo Báo XD)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét