Trong xã hội hiện đại ngày càng có nhiều người cho rằng: càng chiếm được lợi thì càng tốt, còn
người chịu thiệt là kẻ hèn yếu, là người xuẩn ngốc. Nhưng người xưa lại không dạy
con cháu mình như vậy, mà dạy rằng: “Chỉ có mệt thì ăn cơm mới ngon, chịu thiệt
chính là phúc!”
Lời dạy của cổ nhân không chỉ đúng trong
xã hội xưa mà ngay cả trong xã hội hiện đại ngày nay vẫn còn linh ứng. Hãy cùng
đọc câu chuyện dưới đây:
Cách đây đã khá lâu, có một người thanh
niên trẻ tuổi đem theo một chút vốn liếng lên thành phố làm ăn. Anh ta làm công
việc lát sàn gạch cho các công trình.
Sau một thời gian khá khó khăn, anh ta
đã ký được một hợp đồng nho nhỏ. Ông chủ của đối tác ký hợp đồng cho rằng, với
khối lượng công việc như vậy thì đơn giá mà anh ta đưa ra chắc chắn sẽ bị lỗ.
Nhưng ông không hiểu sao người thanh niên trẻ này lại đưa ra một mức giá như
vây. Thế là, ông chủ liền nhắc nhở một nhân viên thân tín của mình: “Tôi chắc
chắn anh ta không thể kiếm được tiền với cái hợp đồng này. Vì vậy, rất có thể
anh ta sẽ bớt xén nguyên liệu. Cậu hãy quan sát và theo dõi anh ta thật sát sao
cho tôi!”
Sau khi công trình hoàn thành xong, ông
chủ lớn này không phát hiện được bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ người thanh niên
trẻ tuổi đã ăn bớt nguyên vật liệu. Ông thầm nghĩ: “Chẳng lẽ lại có người làm
ăn cao siêu vậy sao? Có thể kiếm được tiền đến mức người lâu năm như mình mà
nhìn không ra được? Rõ ràng theo tính toán thì anh ta phải lỗ…” Những suy nghĩ ấy
cứ chạy mãi trong đầu ông.
Ngày cuối cùng khi thanh lý hợp đồng,
ông chủ lớn muốn giải tỏa được những thắc mắc trong lòng mình bấy lâu nên đã cất
giọng hỏi: “Cậu có kiếm được tiền từ hợp đồng này không?”
Thanh niên trẻ trả lời: “Nói thật là tôi
không kiếm được đồng nào từ hợp đồng này, hơn nữa còn bị lỗ một khoản không nhỏ!”
Ông chủ đối tác lại hỏi: “Cậu làm xong rồi
mới biết là không kiếm được đồng nào hay là từ lúc ký hợp đồng đã biết là hợp đồng
này không thể có đồng lợi nhuận nào?”
Thanh niên trẻ ngập ngừng nói: “Sau khi
ký hợp đồng xong thì tôi biết là không thể có lợi nhuận từ hợp đồng này!”
Ông chủ kinh ngạc hỏi lại: “Vậy sao cậu
biết là sẽ bị lỗ mà vẫn làm?”
Anh ta thật lòng trả lời: “Bởi vì hợp đồng
đã ký xong rồi, cho nên tôi phải hết lòng tuân thủ theo các điều khoản, phải
hoàn thành công việc của mình theo đúng thời hạn hợp đồng.”
Ông chủ hỏi: “Vậy cậu đã bị thiệt hại
bao nhiêu tiền?”
Người thanh niên trả lời: “Toàn bộ số vốn
nhỏ mà tôi dùng để bắt đầu làm ăn đều đã phải bù lỗ cho hợp đồng này hết rồi!”
Ông chủ này liền nói với người thanh
niên trẻ kia: “Tôi mời cậu bữa cơm tối nay nhé!”
Bữa cơm tối hôm ấy, không chỉ có ông chủ
lớn và người thanh niên trẻ tuổi kia mà còn có rất nhiều các trưởng phòng ban
chủ quản của công ty đến tham dự. Ông chủ nói với tất cả nhân viên chủ chốt của
mình: “Từ nay về sau, tất cả hạng mục lát sàn nhà các công trình của chúng ta đều
giao cho cậu ấy làm. Mọi người không cần phải tìm đối tác nào khác nữa!”
Về sau này, người thanh niên trẻ tuổi ấy
luôn giữ chữ tín và thành thật trong kinh doanh, vì vậy đã có một sự nghiệp
hưng thịnh, phát đạt.
Con người hiện đại chúng ta thời nay thường
cho rằng thật thà là bị thiệt. Vì thế mà người ta đánh đồng người thật thà là
xuẩn ngốc. Nhưng ở vào rất nhiều thời điểm, từ sâu thẳm trong lòng, tất cả
chúng ta đều khao khát bản thân mình có thể được sống trong một xã hội mà ai ai
cũng thật thà, chân thành, không có người mưu hại người khác để làm lợi cho bản
thân mình.
Mặc dù ai cũng mong muốn như thế, nhưng
lại không ai nguyện ý chịu thiệt trước một chút. Cho nên, cuối cùng ai ai cũng
oán trách xã hội không còn thành thật và tin cậy, không còn đạo đức và chính
nghĩa gì nữa.
Trong câu chuyện trên, người thanh niên
trẻ tuổi vì đã thỏa thuận nên cho dù thế nào đi nữa, thiệt hại hết cả vốn, cũng
một lòng hoàn thiện. Mặc dù đối với hợp đồng này anh ta bị thua lỗ nhưng cuối
cùng sau này lại kiếm được nhiều tiền hơn. Anh ta tổn thất một chút tiền bạc
nhưng lại nhận được tín nhiệm và danh dự từ người khác. Cuối cùng anh vẫn trở
thành người chiến thắng.
Trong quá khứ, những người già thường dạy,
nhất thời chịu thiệt không sao cả bởi vì đó là điềm báo của phúc khí! Người có
thể chịu thiệt nhất định là người có phẩm hạnh đạo đức cao thượng, do đó phúc
phận sẽ không ở cách xa họ!
Con người trong cõi hồng trần, càng ngày
càng rời xa những giá trị đạo đức làm người, coi trọng những lợi ích thiết thân
của cá nhân, lợi ích trước mắt mà quên đi điều gì mới là quan trọng nhất trong
cuộc đời. Ở trong “lợi ích và thiệt thòi” có thể lựa chọn chịu thiệt thì người ấy
nhất định là người có phúc, cuối cùng cũng được phúc báo!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét